MÁY TRỊ LIỆU XOA BÓP TUẦN HOÀN KHÍ
Model : Q6000
Xuất xứ : HÀN QUỐC
Tác dụng sinh lý :
Xoa bóp là sự kích thích cơ học các mô mềm có hệ thống bằng cách dùng áp lực và kéo giãn nhịp nhàng nhằm mục đích điều trị. Nhiều tác dụng điều trị của xoa bóp đã được công bố từ lâu, tuy nhiên chưa có nhiều tác dụng được khẳng định qua các nghiên cứu quy chuẩn (các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng ngẫu nhiên RCT). Xoa bóp thường được dùng để tăng độ mềm dẻo và sự điều hợp cũng như giảm đau; giảm kích thích cơ; tăng tuần hoàn, tức tăng vận chuyển dưỡng chất và năng lượng tới mô; gia tốc quá trình lành tổ chức và khôi phục sự linh động khớp; loại bỏ axít lactic, dẫn tới giảm nhức mỏi cơ. Tuy nhiên bằng chứng quyết định của các tác dụng đó cần được nghiên cứu thêm.
Các hiệu ứng đó phụ thuộc vào cách tiếp cận cụ thể, các kỹ thuật và cách ứng dụng chúng trong lâm sàng. Về mặt tổng quát, xoa bóp có tác dụng phản xạ và tác dụng cơ học. Tác dụng của xoa bóp lên hệ thần kinh phụ thuộc vào phương pháp, áp lực và thời gian tác dụng. Qua cơ chế phản xạ, sự trấn dịu sẽ xuất hiện. Xoa bóp nhẹ nhàng, chậm rãi và nhịp nhàng có tác dụng giảm trương lực, giúp cơ thư giãn. Nó tác dụng không chỉ lên các sợi thần kinh vận động và cảm giác tại chỗ, mà còn lên phản ứng của hệ thần kinh trung ương. Trong khi đó, cách tiếp cận mạnh mẽ hơn có thể dẫn tới những thay đổi cơ học hoặc hình thái tại các cấu trúc cân cơ cần can thiệp.
Tác dụng phản xạ:
Tiếp cận đầu tiên trong xoa bóp trị liệu liên quan với cơ chế phản xạ. Tiếp cận phản xạ cố gắng tạo ra các hiệu ứng thông qua da và các tổ chức liên kết bề mặt. Xoa bóp mô mềm sẽ kích thích các thụ thể cảm giác trong da và mạc dưới da. Khi bàn tay lướt nhẹ nhàng trên da, một loạt đáp ứng xuất hiện như kết quả của sự kích thích các thụ thể cảm giác trong da. Cơ chế phản xạ này được xem như một hiện tượng thần kinh tự động; nó có thể xuất hiện đơn lẻ, tức không đi kèm với cơ chế cơ học. Mennell, 1968, gọi đó là “tác dụng phản xạ”. Trên thực tế, nó không phải là tác dụng, mà là nguyên nhân của các tác dụng, chẳng hạn tạo ra sự trấn dịu, giảm trương lực cơ hoặc tăng tuần hoàn máu.
Tác dụng giảm đau:
Tác dụng giảm đau của xoa bóp được thực hiện qua cả ba cơ chế đóng cổng đau, giải phóng các morphine nội sinh và hoạt hóa các con đường ức chế đau hướng xuống, tùy thuộc vào cách thức áp dụng kỹ thuật trong thực hành (xem các bài về cơ chế đau).
Tác dụng tuần hoàn:
Xoa bóp có thể tác dụng lên dòng máu tuần hoàn thông qua hiệu ứng phản xạ trên hệ thần kinh giao cảm. Máu trong hệ mạch trong cơ được đẩy ra không chỉ nhờ tác dụng trực tiếp của xoa bóp, mà còn nhờ tác dụng gián tiếp của hiệu ứng phản xạ. Xoa bóp nhẹ nhàng tạo ra phản ứng hầu như tức thời qua tác dụng giãn mao mạch và giãn mạch bạch huyết. Khi mao mạch giãn, thể tích máu và dòng máu sẽ tăng lên.
Xoa bóp làm tăng dòng bạch huyết. Trong hệ bạch huyết, chuyển động của chất lỏng phụ thuộc vào ngoại lực. Các yếu tố như trọng lực, sự co cơ, vận động và xoa bóp có thể tác động lên dòng bạch huyết. Dòng bạch huyết tăng dẫn tới tác dụng giảm nề.
Xoa bóp cũng được xem là có tác dụng giảm mức lactate sau vận động; tuy nhiên bằng chứng khoa học chưa ủng hộ giả thuyết này.
Tác dụng chuyển hóa:
Xoa bóp không làm thay đổi mức độ chuyển hóa tổng quát một cách đáng kể. Nó không làm thay đổi sự cân bằng axít - kiềm trong máu. Nó cũng không có tác dụng đáng kể lên hệ tim mạch. Tuy nhiên dòng máu tăng dẫn tới tăng lượng oxy và dưỡng chất tới và tăng thải trừ các sản phẩm chuyển hóa ra khỏi vùng tổ chức được can thiệp. Vận động cơ học cũng giúp tăng thải trừ và tái tổng hợp axít lactic.
Tác dụng cơ học:
Cách tiếp cận thứ hai của xoa bóp là tác dụng cơ học. Các kỹ thuật kéo giãn cơ, kéo căng mạc hoặc vận động tại các vùng dính hoặc chẹn mô mềm đều là các kỹ thuật cơ học. Tác dụng cơ học luôn đi kèm với tác dụng phản xạ. Khi tác dụng cơ học tăng, tác dụng phản xạ sẽ giảm. Kỹ thuật cơ học thường được thực hiện sau các kỹ thuật phản xạ. Điều đó không có nghĩa kỹ thuật cơ học là một kiểu xoa bóp mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên kỹ thuật cơ học thường hướng tới các mục tiêu nằm sâu hơn, như dính hoặc chẹn trong cơ, gân và mạc.
Tác dụng lên hệ cơ:
Theo Wood và Becker, 1981, mục tiêu cơ bản của xoa bóp là “duy trì cơ ở trạng thái dinh dưỡng, mềm dẻo và sống động tốt nhất để sau khi hồi phục khỏi chấn thương hoặc bệnh lý, nó có thể thực hiện tối đa khả năng cho phép”. Xoa bóp cơ thường được thực hiện để kéo giãn cơ học mô liên kết trong cơ hoặc giảm đau và sự khó chịu liên quan với các điểm đau chói cân cơ. Xoa bóp cũng tăng dòng máu tới cơ và do đó tăng dòng máu tĩnh mạch. Nó giúp giảm loạn dưỡng cơ sau tổn thương và tăng tầm vận động do tác dụng giảm sự kích thích thần kinh cơ và kéo giãn cơ và mô sẹo. Tuy nhiên nó không có tác dụng làm mạnh hoặc tăng trương lực cơ.
Tác dụng trên da:
Xoa bóp có tác dụng tăng nhiệt độ da, do tác dụng cơ học trực tiếp và tác dụng vận mạch gián tiếp. Nó cũng gây tăng tiết mô hôi và giảm điện trở da đối với dòng galvanic.
Nếu da dính với tổ chức dưới da và mô sẹo đã hình thành, xoa bóp ma sát thường được dùng để làm lỏng lẻo vùng dính và làm mềm sẹo. Xoa bóp làm cho da mềm mại. Nó tác dụng trực tiếp trên da để loại bỏ các tế bào chết sau tổn thương.
Xoa bóp có tác dụng kéo giãn sẹo và phá vỡ mô sợi. Nó có thể phá vỡ dính giữa da và tổ chức dưới da và kéo giãn tổ chức bị dính hoặc co rút.
TÁC DỤNG TÂM LÝ:
Càng ngày giới học thuật càng nhận ra rằng, tác dụng tâm lý của các phương pháp vật lý trị liệu có vai trò quan trọng không kém các tác dụng sinh lý và điều trị. Xoa bóp không phải là ngoại lệ, khi tác dụng “đặt bàn tay” làm cho bệnh nhân cảm thấy bản thân nhận được sự trợ giúp, nên có thêm động lực để đấu tranh với bệnh tật. Tác dụng trấn dịu có thể mang lại nhiều lợi ích nhất cho bệnh nhân. Xoa bóp cũng làm giảm sự khuấy động cảm xúc và sinh lý, như giảm lo âu và căng thẳng. Nó có tác dụng thư giãn rõ rệt cả ở mức thân thể và mức nhận thức (xem phần các kỹ thuật thư giãn).